Họa sĩ - NSND Phạm Viết Song
Riêng trong thể thao, riêng với bóng đá, ông mãi mãi là CĐV trung thành nhất, tâm huyết nhất, tuyệt vời nhất. Hơn nữa, ông còn là CĐV rất đặc biệt, không ra sân cổ vũ đến cuồng nhiệt, nhưng chính ông là người sản sinh ra những cuồng nhiệt, đốt cháy lên không khí nóng bỏng của ngày hội túc cầu. Sáng nào cũng vậy, ông sang tôi uống cà phê, đọc báo, coi thời sự, bình luận thể thao, nhất là bóng đá, môn thể thao ông yêu thích từ khi còn là cậu bé. Ở tuổi 80, thi thoảng ông vẫn đi xem ĐT và các CLB thi đấu. Với tôi bóng đá là "tình yêu và nước mắt", vì thế trong tôi còn cái máu "đam mê cổ động".
Biết ông là một danh họa tài hoa, nhiều khi tôi muốn hóa trang để ra sân cổ vũ ĐT, gặp ông, lại không dám nói. Ở tuổi ông ai chẳng vội vã với thời gian. Tôi vẫn chờ thời cơ.
Một buổi sáng đầu tháng 9, giai đoạn cuối giải Tiger Cup 98, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đem tặng tôi cặp vé trận bán kết Việt Nam - Thái Lan. Khi đó ông đang ngồi uống cà phê, tôi *** la đến cạnh ông đặt tấm vé lên bàn, khoe anh Giang vừa tặng.
Tôi hỏi ông tối nay có ra sân không. Ông lắc đầu, đã 2 năm tôi không đi được. Vẻ quan trọng, tôi thì thầm vào tai ông: "Tối nay con định nổ tung cầu trường". Ông không hiểu, nhìn tôi "tên khủng bố". "Cậu định làm gì?", ông hỏi lại. "Đặt bom", tôi trả lời ông. "Rồi cậu tự sát luôn", ông hỏi lại. Tôi gật đầu, nói nhẹ vào tai ông hai tiếng "tuyệt mật".
Nhưng việc này khó lắm, chắc ông phải ra tay mới xong. Ông lắc đầu. Việc này ông làm được mà, con van ông, nhất định ông phải giúp con. Đơn giản thôi, ông chỉ việc tra hạt nổ (bột vẽ) lên vỏ trái bom này (tôi chỉ lên mặt). Ông cười, nhận ra cái trò chơi "chết người" của tôi, hẹn chiều.
Đúng hẹn, 3h chiều tôi qua nhà, ông đợi sẵn tôi trên phòng vẽ mãi tận tầng 3. Nó giống như một cái chuồng cu, rất nhiều ô cửa. Đẩy lùi bức tranh sơn dầu đang vẽ dở ra sau, ông bảo tôi ngồi vào thế đó.
Lặng lẽ tiến về phía chiếc tủ kê góc phòng, ông lôi ra hai chiếc ly, cùng chai rượu whisky đã vơi nửa, kéo chiếc ghế con ra ngồi, rót đầy hai ly rượu, ông tuyên bố: "Chúng ta làm việc!".
Tôi đùa hỏi ông: "Bột vẽ phải hòa tan bằng cồn?". Ông tủm cười gật đầu: "Cậu thông minh thật". Tôi bỗng thèm khát ngày nào cũng được sang ông hóa trang...
Năm phút trôi qua, ly rượu "bốc hơi" gần hết. Ông đổ đầy ly nữa, vừa uống vừa chuyện. Ông liên tục đưa mắt nhìn lên mặt tôi, khi bảo tôi quay trái, ngắm những giò phong lan treo bên ô cửa sổ. Lúc bảo tôi quay phải chiêm ngưỡng kho báu mà ông coi đó là "viện bảo tàng" bé nhỏ, cái viện bảo tàng mà ông xây dựng cách đây 50 năm không ngày hoàn thiện. Trong đó chỉ trưng bày duy nhất một loại đạo cụ, với CĐV như tôi đó là những chiếc tù và. Ông thì gọi là "tẩu". Đủ kiểu, đủ loại to nhỏ.
Ông bắt đầu vẽ, say sưa thận trọng từng đường nét.
Điểm xuất phát, bút ông đặt vùng ven bờ mi mắt. Một cảm giác lạnh tê, rạn nứt, tôi đưa nhẹ ngón tay xoa quanh vùng ông vừa "đến", miệng vờ hỏi: "Ông ơi, chúng ta đi từ đây?" (tôi chỉ vào chỗ ngứa mà ông vừa đặt bút). Ông gật đầu nhận ra cái điều gì không ổn với tôi. Ông nói: "Tôi quên không nhắc cậu, trước khi hóa trang nên uống vài viên chống dị ứng". Tôi chỉ vào ly rượu nói, ông vừa cho con uống đó thôi. Ông bật cười, gọi tôi "thằng đểu".
Những mảng màu kỳ diệu trên khuôn mặt tôi loang rộng dần theo cây vẽ. Tôi ngứa ngáy khó chịu, không ngờ cái thứ bột hóa phẩm ấy người ta vẫn đem tô đẹp cho đời, cho cuộc sống, trên da thịt tôi trở thành "kiến độc", cứ thế mà cắn xé... và tôi vẫn phải đưa tay lên xoa dịu những nơi "ông đi qua".
Mỗi lần như vậy, ông lại hỏi, có khó chịu lắm không. Trong bối rối, tôi thưa ông "dễ chịu lắm", bột màu của ông mát như "kem dưỡng da" vậy. Ông cười! Lại gọi tôi "thằng đểu".
Vì phải ngồi bệt, chân xếp vòng tròn tựa thế ngồi "thiền" của trường phái Yoga. Mặt khác, phải gánh đỡ cái bụng "chảo" của một võ sĩ Sumô, 2 chân tôi tê cứng như 2 khúc gỗ. Tôi ngước mắt nhìn ông chờ đợi, định xin phép chuyển dịch vị trí 2 khúc gỗ cho đỡ tê, đỡ dại.
Thấy ông vẫn cặm cụi, mải mê theo cây bút, những giọt mồ hôi núp trên nếp nhăn của ông cụ đã 82 tuổi dần hiện ra. Cái lưng vốn là góc "tù" như hẹp lại, tôi thật sự thương ông, thấy xấu hổ và lại ngồi im để ông hóa trang.
Khi cảm giác "tổ kiến" ông tha về đã khá đầy lên mặt, cứ vài phút ông ngả người về phía sau ngắm tôi, miệng tủm cười thốt lên: "T ơi! Đẹp lắm! Đẹp lắm". Không mảnh gương để tự ngắm mình, để xem ông bôi cái quái quỷ gì lên mặt, mà chốc chốc lại thầm kêu "đẹp lắm". Trong "cơn mơ", tôi thầm được mang theo "bộ mặt" ấy suốt cuộc đời...
Thoảng cơn buồn ngủ, tôi bừng tỉnh, khi ông cầm cây vẽ ném đánh bốp vào hộp nước rửa, hô hai tiếng "giải lao". Và ông lăn quay ra sàn vẽ, nấc cười sằng sặc một chuỗi dài... Tôi biết, mình đã thành... "chú hề".
Tỉnh dậy sau trận cười mãn nguyện với "kiệt tác", ông ngồi lên cày xới nốt phần bán thân cho tôi. Trong ánh mắt, trong điệu cười tinh quái hóm hỉnh của ông. Tôi tự đọc lên hình ảnh trên khuôn mặt mình. Khi mọi việc đã xong, tôi sung sướng cảm ơn ông, ra về trong 5 tiếng giục giã của con chim "cúc cu" báo giờ trên chiếc đồng hồ Nga cũ kỹ. Vậy mà đã hai tiếng ông dành trọn cho tôi.
Cả cầu trường bật tung tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng reo hò khi nhìn thấy tôi bước vào. Tôi như người được lôi ra từ "câu chuyện lạ Việt Nam", mọi CĐV đứng lên vẫy chào tôi nhiệt liệt.
Giữa cầu trường Hà Nội, trong muôn vàn cách biểu diễn "thời trang" của các CĐV, hẳn tôi là người đẹp nhất, rực rỡ nhất, ấn tượng nhất. Tôi vui sướng chạy khắp nơi để những người hâm mộ, những CĐV khác được chiêm ngưỡng "thời trang cổ động" mà ông là người thiết kế.
Đêm ấy, ĐT Việt Nam thắng giòn giã trước đối thủ mạnh nhất khu vực là ĐT Thái Lan với tỷ số 3-0. Say vui trong chiến thắng, sau trận đấu, hòa vào dòng CĐV, tôi đi "trình diễn thời trang" cho tới tận nửa đêm.
Hôm sau hẳn như sốt ruột, ông qua nhà tôi uống cà phê sớm hơn lệ thường, ông hỏi xem những chuyện gì xảy ra với tôi đêm qua. Tôi trả lời "tất cả rất tuyệt vời". Ông cười, hẹn 2 ngày sau sang nhà để ông hóa trang trận chung kết.
Và cả trong những năm tháng sau này, mỗi khi ra sân cổ vũ cho ĐT, tôi lại được mang những "bộ mặt thời trang" mới nhất của ông ra sân trình diễn. Còn ở SEA Games 22, vì lý do sức khỏe, tôi chỉ nhờ ông hóa trang duy nhất một trận Việt Nam - Malaysia. Ở trận đó đội tuyển Việt Nam mang về chiến thắng 1-0.
Mới đó thôi, tại "Honda Cup 05", ông còn hỏi tôi có muốn hóa trang thì qua nhà. Tôi hỏi lại, thế ông định hóa trang cho con đến khi nào. Ông nói: 100 tuổi.
Vậy mà chỉ sau vài ngày ốm nặng, ông đã vội vã ra đi. Xin không nói về sự tổn đau và mất mát khác. Riêng trong thể thao, riêng với bóng đá, ông mãi mãi là CĐV trung thành nhất, tâm huyết nhất, tuyệt vời nhất.
Hơn nữa, ông còn là CĐV rất đặc biệt, không ra sân cổ vũ đến cuồng nhiệt, nhưng chính ông là người sản sinh ra những cuồng nhiệt, đốt cháy lên không khí nóng bỏng của ngày hội túc cầu. Từ cây bút diệu kỳ, từ những mảnh màu tinh tế, sống động đầy ấn tượng. Ông đã làm cho ngày hội bóng đá thêm rực rỡ và hấp dẫn hơn.
Từ câu chuyện về một buổi hóa trang, về những thành công gặt hái của một CĐV trên cầu trường, tôi muốn nói về ông, người họa sĩ tài hoa, nghệ sĩ nhân dân. Đó là danh họa nổi tiếng của Việt Nam. Ông là Phạm Viết Song, sinh ngày 2/12/1917.
Đã 3 năm ông đi xa, nhiều đêm tôi mơ gặp lại ông, mong ông về để tôi chuyển sang ông "lá phiếu" danh dự. Lá phiếu mà ở SEA Games 22 người hâm mộ tặng cho tôi - Lá phiếu CĐV số 1 Việt Nam